Mục đích của Ðạo Phật là đem lại những kết quả đẹp đẽ
sau này cho chúng sanh:
1. Chơn thường: Chúng sanh trôi lăn, lặn hụp
trong biển sanh tử luân hồi; chúng sanh sống trong cảnh
vô thường, khi trẻ khi già, khi lành khi ốm, khi sống
khi chết...Ðạo Phật đem lại cho người tu hành một quả vị
là không bao giờ bị luật vô thường nói trên chi phối.
2. Chơn lạc: Chúng sanh đang sống trong cảnh giới
tối tăm, buồn tủi, khổ đau; nếu có vui cũng chỉ vui được
trong chốc lát, như người khát, uống nước mặn vào, đỡ
khát trong chốc lát, rồi về sau lại càng khát hơn lúc
đầu. Ðạo Phật có mục đích đem lại cho kẻ tu hành một sự
an vui toàn vẹn và bất tận.
3. Chơn ngã: Chúng sanh bị không biết bao nhiêu
nghịch cảnh ở chung quanh chi phối, ràng buộc, như kẻ tù
tội bị giam hãm trong ngục thất, không bao giờ được tự
do hoạt động theo ý muốn của mình. Ðạo Phật có mục đích
làm cho những người tu hành được giải thoát hoàn toàn ra
ngoài những trói buộc nói trên, làm cho con người đầy đủ
năng lực để thực hiện ý nguyện tốt đẹp của mình, và sống
một cuộc đời an nhiên tự tại.
4. Chơn tịnh: Chúng sanh đang sống trong cảnh
giới ô trọc, lấm láp trong bùn nhơ của cõi tục, từ trong
tâm hồn cho đến ngoài thể chất. Ðạo Phật có mục đích làm
cho người tu hành gạn lọc được bao nhiêu ô trọc của cõi
đời, được sống một cuộc sống trong trắng, tinh khiết,
không vướng chút bận nhơ của trần tục.
Không phải chỉ trong vị lai, Ðạo Phật mới đem lại lợi
ích cho đời, ngay trong xã hội hiện tại, Ðạo Phật cũng
đem lại nhiều lợi ích quý báu:
- Ðạo Phật, nhờ tinh thần Từ Bi, làm cho xã hội,
nhân loại thương yêu nhau hơn.
- Ðạo Phật, nhờ ánh sáng Trí Tuệ, làm cho xã hội,
nhân loại bớt si mê lầm lạc, thấy được đâu là giá trị
thật, đâu là phỉnh phờ, giả dối.
- Ðạo Phật, nhờ tinh thần Bình Ðẳng tuyệt đối,
san bằng được những bất công của xã hội, nhân loại, và
làm cho cảnh giới Ta Bà này được sáng sủa, an vui hơn.
Ðó là những lợi ích mà Ðạo Phật đem lại cho cõi đời.
Kết Luận
Những lợi ích nói trên quý báu như thế, nhưng sẽ không
bao giờ đến với chúng ta, nếu không học và hành theo
Phật.
1. Học Phật: Ðức Phật mặc dù là
một đấng xuất phàm, thông minh xuất thế, nhưng khi xuất
gia Ngài cũng phải học hỏi đêm ngày, hao tốn sức biết
bao nhiêu, mới phát huy ra được cái giáo lý nhiệm mầu để
lại cho chúng ta. Vậy chúng ta muốn trở thành một Phật
tử chân chính thì trước tiên là phải học hỏi như Phật.
Chúng ta không chỉ học trong giáo lý của Ngài mà còn học
qua đời sống, đức hạnh, hành vi của đời Ngài nữa.
2. Hành theo Phật: Nhưng học mà
không tập, không hành, thì chẳng khác gì cái đãy đựng
sách, chữ nghĩa kinh sách chất chứa thật nhiều, mà chẳng
có ích lợi gì cả. Vậy nên học phải đi đôi với hành.
Chúng ta phải cố gắng thực hành cho được những điều đã
học, làm cho được những điều mình thấy là hay là phải.
Phật đã làm gì, chúng ta phải tập làm lại; Phật đã có
những đức tánh Từ, Bi, Hỷ, Xả, Hoan Hỷ, Tinh Tấn, Thanh
Tịnh...chúng ta cũng cố gắng thực hiện cho được những
đức tánh ấy.
Có như thế, mới khỏi hổ với hai tiếng Phật tử và mới gọi
là đền đáp trong muôn một, ân đức sâu dày của đức Từ Phụ
Thích Ca.